Vì sao tuyệt đối không xách giùm hành lý của người không quen biết ở sân bay?
- 20/03/2023
Trước đó, vào ngày 16.3, các lực lượng chức năng tạm giữ 4 tiếp viên Vietnam Airlines thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay từ Paris về TP.HCM ngày 15.3 do nghi ngờ trong hành lý của các tiếp viên này có mang theo chất cấm.
Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện hành lý của 4 tiếp viên chứa hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg ketamin được cất giấu, ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng.
Theo lời khai của 4 tiếp viên, có một người nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường. Tại sân bay ở Pháp, hành lý của những tiếp viên này không bị phát hiện bất thường, nhưng khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất thì bị lực lượng chức năng sân bay phát hiện.
Nhiều người đã chia sẻ vụ việc này, qua đó nhắn gởi nhau thông điệp: "tuyệt đối không xách đồ giùm ở sân bay", bởi có thể rơi vào tình cảnh "giúp người nhưng hại mình".
Không mang hộ đồ giúp người khác
Khi đi máy bay, bạn tuyệt đối không nhận cầm giúp đồ khi qua sân bay, dù thân. Trên thế giới có nhiều trường hợp rủi ro, món đồ được nhờ xách giúp là chất cấm. Dù cầm hộ, bạn vẫn gặp rắc rối với pháp luật.
Hiện có nhiều đơn vị nhận vận chuyển hàng đa quốc gia với giá rẻ và nhanh. Vì vậy, khi được nhờ cầm giúp đồ, hãy hướng dẫn họ gửi qua dịch vụ.
Trong ngành hàng không, tiếp viên luôn có một câu hỏi "kinh điển" tại khu vực ký gửi hành lý. "Vali này là của anh chị phải không/ Vali này có phải anh chị tự tay đóng gói?". Nếu bạn trả lời "đúng", bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với chiếc vali đó.
Trong trường hợp xách hộ, nhân viên hàng không sẽ khuyến cáo về những rủi ro có thể xảy ra. Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Không mang đồ nhạy cảm
Trước các chuyến bay, nhất là các chuyến bay quốc tế, bạn nên tra cứu trên các trang web, liên hệ hãng để biết chắc những thứ không thể mang theo. Nếu vẫn chưa có thông tin rõ ràng, không nên mang, đặc biệt là các món ăn.
Nhiều quốc gia có hình phạt rất nghiêm khắc trong việc khách nhập cảnh mang theo đồ ăn. Ví dụ ở Thái Lan, khách nhập cảnh cố tình mang theo trái cây, rau quả tươi mà không có giấy phép nhập khẩu, không khai báo có thể đối mặt án tù một năm. Vì vậy, bạn cần đọc kỹ quy định của hải quan trước khi muốn mang ngoại tệ, đồ ăn hay bất cứ đồ có giá trị nào khác.
Tìm hiểu và tránh vi phạm các quy định là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bạn khi bay. Vì lý do không biết không có tội không được chấp nhận trong bất cứ trường hợp vi phạm nào trong ngành hàng không.
Đọc kỹ các thông tin in trên vé
Ngoài đọc nội quy, bạn cũng cần nắm rõ loại vé mình sẽ bay và điều kiện in trên vé như nếu không bay nữa (do lỗi từ khách) có được hoàn tiền hay không.
Không nên mua vé từ các website, đại lý lạ. Khi có mã vé (nếu mua từ bên thứ ba), bạn nên gọi điện kiểm tra lại với hãng trước khi bay. Để nếu có xui rủi gặp lừa đảo, bạn vẫn kịp có phương án dự phòng.
Nên bảo quản hành lý trước khi bay
Nếu đi đường dài, bạn nên quấn nilon tại sân bay, vừa bảo vệ vali, vừa chống trộm, chống ướt (vali vải). Mách thêm một mẹo nhỏ cho bạn, đó là hãy chụp lại hành lý trước khi cho vào băng chuyền, để miêu tả dễ hơn khi thất lạc.
Hành lý xách tay đặc biệt nên đúng quy định. Nếu đồ của bạn buộc phải gửi xuống hầm hàng tại cửa khởi hành hay ở máy bay (do có chứa các món không được phép cầm tay), hãng sẽ sử dụng một loại tag đặc biệt là "Tag miễn trừ trách nhiệm". Khi hành lý gặp sự cố, mất mát, đồ giá trị trong hành lý nhận được đền bù thấp.